A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUNG CẤP THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN TRONG TUẦN (từ ngày 15/11 đến ngày 22/11/2021)

Nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền ở cơ sở, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp một số thông tin trong tuần để các đồng chí tham khảo trong quá trình chỉ đạo, định hướng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn:

1. Bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Sáng 13/11, sau 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Kỳ họp thứ 2 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, với quyết tâm đổi mới, tinh thần khẩn trương, tích cực cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, Quốc hội đã thống nhất rất cao về nội dung, thời gian, chương trình cũng như cách thức tổ chức kỳ họp.

Theo đó, kỳ họp được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là một kỳ họp được chủ động rút ngắn so với các kỳ họp cuối năm của Quốc hội những khóa gần đây nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. 

“Không khí làm việc của Quốc hội sôi nổi, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, xây dựng vào các nội dung của chương trình kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định trong diễn văn bế mạc và cho biết, đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 8 phiên thảo luận tổ và 498 lượt đại biểu Quốc hội thảo luận tại 16 phiên họp toàn thể tại hội trường. 

Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, toàn diện, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự nhất trí rất cao 2 dự án luật, cho ý kiến 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, trong đó, có 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp.

Quốc hội cũng đã thực hiện quyền giám sát thông qua nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, xem xét nhiều báo cáo quan trọng của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội cũng đã tiến hành chất vấn đối với 4 vị Bộ trưởng, có sự tham gia trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các vị trưởng ngành về các nhóm vấn đề: Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư, với tổng số 170 lượt đại biểu phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Để các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Ngay sau kỳ họp này, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết vừa được thông qua; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những bất cập, hạn chế. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri cả nước kết quả của kỳ họp, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật; thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, Nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Có thể nói, thành công của kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, Nhân dân; đồng thời là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” (gọi tắt là Quy định 41) với nhiều điểm mới, đồng bộ với các quy định của Đảng hiện nay trong công tác cán bộ, nhất là vấn đề xử lý cán bộ.

Quy định 41 đã nêu rõ việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; có 2 năm liên tiếp xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.

Theo Quy định 41, căn cứ xem xét từ chức dựa vào một trong các trường hợp: Hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Ngoài ra, Quy định 41 còn nêu rõ các căn cứ trong việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực...

Quy định 41 đã có những nội dung cụ thể hơn so với các quy định trước đây, cả trên 2 mặt là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức và sự tự giác, chủ động của cán bộ. Đặc biệt, với những quy định này, nếu cán bộ vướng vào các biểu hiện nêu trên không tự giác thì cũng sẽ bị cấp ủy, tổ chức miễn nhiệm khi chưa hết nhiệm kỳ.

3. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 28: Tìm giải pháp phục hồi sau đại dịch

Ngày 11/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến (diễn ra từ ngày 11 đến 12/11 do Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden chủ trì). Với chủ đề “Cùng phối hợp, Cùng hành động, Cùng tăng trưởng”, tại hội nghị này, 21 nền kinh tế thành viên sẽ cùng tìm giải pháp phục hồi sau đại dịch COVID-19 và giải quyết các vấn đề cấp bách khác, như: Hỗ trợ chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu…

Các nền kinh tế thành viên của APEC trải dài trên vành đai Thái Bình Dương, chiếm khoảng 38% dân số và hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Ngoài những căng thẳng địa chính trị, dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã làm tăng thêm sự bất ổn ở một khu vực từ lâu được coi là động lực của tăng trưởng toàn cầu. 

Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên sẽ cùng nhau thiết lập lộ trình phục hồi kinh tế, thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời kỳ “hậu COVID-19”. Với vai trò chủ nhà, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, người chủ trì cuộc họp của các nhà lãnh đạo, sẽ tập trung vào việc “vạch ra con đường để phục hồi sau cuộc khủng hoảng kéo dài này”. New Zealand đã đề xuất chủ đề của Năm APEC 2021 “Cùng phối hợp, Cùng hành động, Cùng tăng trưởng” với 3 ưu tiên, gồm: Chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu, thương mại, đầu tư tự do và mở, tạo thuận lợi cho thương mại, kết nối; Đẩy mạnh bền vững và bao trùm, thúc đẩy phục hồi bao trùm, bền vững, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương trong đó có người bản địa; Thúc đẩy sáng tạo và số hóa, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng số, bao trùm số, kinh doanh và thương mại được tạo thuận lợi bởi số, cải cách cơ cấu, đổi mới sáng tạo. Một trong những trọng tâm hợp tác của Năm APEC 2021 là xây dựng kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Đáng chú ý, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác, như: Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh; gia tăng nguồn lực tài chính để hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế; hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch…

Từ khi tham gia APEC (tháng 11/1998), Việt Nam luôn thể hiện vai trò của một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, giữ vững vị thế của châu Á - Thái Bình Dương trong kinh tế toàn cầu. Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số ít thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất, nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng… Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vắc xin phòng COVID-19, bảo đảm phân phối và tiếp cận vắc xin bình đẳng, hiệu quả, với chi phí hợp lý; đồng thời, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vắc xin, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Diễn đàn APEC lần thứ 28 một lần nữa cho thấy, Việt Nam luôn phấn đấu đóng góp hơn nữa vào tương lai chung của cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng.

4. Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021)

Qua thời gian chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, tổ chức và cán bộ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930 tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam, trong đó có những nội dung về yêu cầu tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là cơ sở quan trọng để sau đó Đảng ta xây dựng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.

Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước; ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Chỉ thị xác định Hội Phản đế Đồng minh phải bảo đảm tính công nông; đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”.

Hội Phản đế Đồng minh là hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Đảng ta. Đó cũng là cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc, là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đủ trưởng thành, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.

Từ đó tới nay, tuy có những hình thức và tên gọi khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng nhưng Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam luôn là nơi tập hợp các giai tầng xã hội vì mục tiêu lớn của dân tộc.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng rất có khả năng xảy ra. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thống nhất hình thức tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021 cụ thể như sau:

Tuyên truyền, vận động, khơi dậy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; tổ chức thực hiện các hoạt động ở cộng đồng, không tổ chức chương trình lễ hội như hàng năm.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã đề xuất, tham mưu để đảng ủy chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp xã tặng giấy khen biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua nhất là tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương.

Ở các khóm, ấp tổ chức vệ sinh môi trường, chỉnh trang khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn phòng, chống dịch bệnh; có hình thức tặng quà phù hợp cho các hộ gia đình có công, hộ nghèo, hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các hộ gia đình khó khăn đi làm ăn tại các tỉnh, thành có dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã trở về địa phương, nhất là các hộ gia đình có người thân tử vong do dịch bệnh.

Việc tổ chức Ngày hội đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả bằng các hình thức phù hợp, huy động được sự tham gia của cả cộng đồng; thông qua các hoạt động của Ngày hội kết hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh ở mỗi địa phương.

Qua đó, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của người dân trong cộng đồng; phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong cộng đồng, việc tổ chức Ngày hội để kịp thời động viên, khích lệ Nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng của Nhân dân để phòng, chống và sớm chiến thắng dịch bệnh.

5. Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021)

Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục từ năm 1953. Trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30/8/1957 tại Warszawa, lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam năm 1958.

Những năm sau đó, ngày lễ này được tổ chức ở các vùng ở miền Nam Việt Nam. Hàng năm vào dịp kỷ niệm 20 tháng 11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần giáo viên kháng chiến.

Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người./.

PHÒNG TUYÊN TRUYỀN

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY


Tập tin đính kèm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5
Tháng 04 : 35